Dưới đây là một số cách để giúp những vận động viên nhí sỡ hữu sức khoẻ và thể chất vững vàng
Nếu bạn quan sát những đứa trẻ nô đùa trên sân chơi, chạy băng qua sân bóng chày hoặc có thể đơn giản chỉ đang chạy đuổi theo xe buýt, bạn sẽ thấy những sải chạy của chúng trông vô cùng nhẹ nhàng và tự nhiên. Có lẽ đó cũng là điều đương nhiên bởi một trong những trải nghiệm đầu đời của trẻ sau khi tập đi là chạy. Lý do chúng ta chạy khi còn nhỏ thường chỉ có một: vì việc chạy rất thú vị. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn vẫn có thể giữ được suy nghĩ này ngay cả khi lớn lên, nhưng đây cũng có thể là một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải vượt qua.
Những hướng dẫn và lời khuyên cho trẻ em khi chạy
Cũng như đi bộ, khiêu vũ, nhảy dây, đi xe đạp hoặc các môn thể thao đồng đội, chạy là một cách tuyệt vời để giúp trẻ thực hiện 60 phút hoạt động hàng ngày được khuyến nghị bởi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ. Dưới đây là cách giúp con bạn chạy bộ một cách an toàn và thường xuyên hơn.
Trẻ nên bắt đầu từ độ tuổi nào?
Những hướng dẫn dựa theo kết quả nghiên cứu dành cho trẻ em và chạy bộ có rất ít những thông tin y tế về vấn đề này. Mặc dù có vài thông số từ những bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nói về tác hại của việc luyện tập ném bóng và đá bóng quá mức, hầu như không có định hướng cụ thể nào dành cho các bậc cha mẹ đang nuôi dạy những vận động viên chạy nhí của họ. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy ảnh hưởng lâu dài của việc chạy đến sự phát triển của cơ thể và trí não trẻ. Tuy nhiên, những lời khuyên y tế phổ biến nhất là nếu trẻ thể hiện sự thích thú và không có chấn thương nào lớn thì việc chạy ở bất kì độ tuổi nào đều được chấp nhận.
Erica Gminski, giám đốc chương trình dành cho thanh thiếu niên của Câu lạc bộ Vận động viên chạy đường trường Hoa Kỳ (RRCA) đồng ý rằng miễn là việc chạy bộ mang lại niềm vui cho trẻ và cũng không luyện tập quá mức thì việc chạy sẽ mang lại lợi ích cho mọi lứa tuổi.
“Các nguyên tắc cơ bản về chạy bộ cho thanh thiếu niên” của RRCA đưa ra các hướng dẫn chung về chạy bộ cho từng nhóm tuổi. Chúng sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về quá trình tham gia chạy bộ của con trẻ sẽ dần thay đổi thế nào theo thời gian: Khuyến khích trẻ từ 3 đến 9 tuổi tập thể dục thường xuyên, bao gồm những hoạt động chạy được tổ chức bài bản; từ 8 đến 12 tuổi, trẻ có thể tham gia vào một nhóm chạy với hệ thống đào tạo kéo dài từ hai đến ba tháng. Với những trẻ đang trong độ tuổi dậy thì, chúng có thể từ từ tăng khoảng cách luyện tập và tham gia những khoá luyện tập có tính cạnh tranh. Tuy nhiên, những gì được bao gồm trong hướng dẫn có thể sẽ có sự khác biệt tuỳ theo đối tượng.
Tiến sĩ Mark Halstead, chuyên gia y học thể thao nhi khoa tại Đại học Washington ở St. Louis cho biết: “Thông thường thì trẻ sẽ bắt đầu chạy những cự ly dài hơn, ví dụ như những cuộc đua 5km khi chúng ở độ tuổi 8 đến 10. Tuy nhiên, tốc độ phát triển và niềm đam mê chạy của một đứa trẻ sẽ có ảnh hưởng và tầm quan trọng hơn độ tuổi thực của nó”.
Chạy cũng có thể được coi là bước đầu để trẻ trải nghiệm các môn thể thao khác mà chúng có thể sẽ hứng thú như bóng đá, bóng rổ, bóng đá hoặc quần vợt. Halstead lưu ý rằng thông thường thì các cầu thủ bóng đá sẽ chạy tổng cự ly khoảng 8 km trên sân cỏ mà không cần lo lắng rằng liệu tập luyện bóng đá nhiều buổi một tuần có ảnh hưởng tiêu cực nào lên cơ thể không. “Việc này phụ thuộc rất lớn vào việc đứa trẻ tập luyện là vì đam mê của ai: của chính bản thân chúng hay bố mẹ? Nếu đứa trẻ có cách tiếp cận và chương trình luyện tập phù hợp, tôi nghĩ chúng sẽ ổn thôi,” ông nói.
Gminski nói: “Một số trẻ không hứng thú với các môn thể thao liên quan đến các loại bóng hoặc các môn thể thao đồng đội, vì vậy, chạy – một hoạt động mà trẻ có thể tham gia với tư cách cá nhân hoặc trong một nhóm như điền kinh và chạy việt dã – có thể sẽ thành công thu hút sự chú ý của chúng.
Cũng giống như với người lớn, luyện tập quá mức có thể dẫn đến chấn thương, và đây là lý do hàng đầu cho lời khuyên “tập luyện trong vui vẻ” được các chuyên gia nhấn mạnh nhiều lần. “Nếu đứa trẻ bị đau trong khi chạy, đó là một vấn đề cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Đau nhức sau khi chạy có thể không phải một vấn đề nghiêm trọng nhưng những cơn đau khi đang chạy nên nhận được sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời ” Tiến sĩ Halstead cho biết.
Điểm mấu chốt là bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ điều trị và theo dõi các dấu hiệu căng thẳng hoặc đau đớn ở con bạn khi chúng bắt đầu chạy bộ. Bạn cần ghi nhớ một điều quan trọng là trẻ chạy để giải trí, nếu không có thể chính bạn sẽ dẫn đến sự thất bại của con hoặc tệ hơn nữa: một chấn thương mãn tính.
Lợi ích của việc chạy bộ từ khi còn trẻ
Trong thời đại này khi nguy cơ trẻ chìm đắm vào thế giới công nghệ tăng cao, việc để trẻ tham gia những hoạt động ngoài trời và chạy nhảy cần được đề cao hơn bao giờ hết. Mặc dù bạn có thể bắt đầu việc chạy ở bất kỳ độ tuổi này để tăng cường sức khỏe tim mạch, nhưng xương của bạn sẽ không thể có được những cải thiện rõ rệt như khi còn trẻ. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao của Anh, chạy bộ làm tăng đáng kể sức mạnh của xương ở những người chạy từ nhỏ và có thể ngăn ngừa chứng loãng xương.
Việc bắt đầu chạy từ sớm cũng mang lại một vài lợi ích khác như cải thiện giấc ngủ, tăng lòng tự trọng và sự tự tin (niềm tin để vượt qua vạch đích!), giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, đồng thời giảm huyết áp và mức cholesterol trong máu.
Gminski cho biết thêm rằng hoạt động thể chất như chạy sẽ giúp trẻ em cải thiện khả năng tập trung, điểm số và điểm kiểm tra. Cô nói: “Tích luỹ đủ sự tự tin để thử một trải nghiệm mới, tuân thủ và kiên trì với thói quen thường ngày, cùng với đó là khả năng đề ra và cố đạt được mục tiêu là những lợi ích của việc cải thiện lối sống của bạn”.
Làm thế nào để chạy bộ trở thành niềm vui đối với trẻ
Vậy cách tốt nhất để giúp con bạn vận động và chạy bộ là gì? Bạn có thể tra cứu các chương trình trên trường học như câu lạc bộ chạy theo dặm, hỏi về các câu lạc bộ hoặc cuộc đua chạy qua công viên thị trấn địa phương của bạn hay trang web của bộ phận giải trí, hoặc tìm những chương trình chạy như “Kids Run the Nation” hay “Girls on the Run” của RRCA.
Đối với những trẻ ít vận động, Gminski khuyên bạn nên bắt đầu bằng việc đi bộ với chúng rồi tăng dần thời gian và khoảng cách. Rồi bạn có thể dần giới thiệu về chạy cho chúng, ví như chạy đến hòm thư trước nhà, đến góc đường, hay đua xem ai đến cái cây đằng xa kia nhanh hơn. Nếu bản thân phụ huynh cũng là những vận động viên chạy bộ, bạn có thể rủ con đồng hành cùng mình trong cuộc chạy bộ. Điều này sẽ tạo cho bạn cơ hội để dạy con các phép xã giao và an toàn khi chạy, đồng thời mở ra cơ hội gắn kết và trò chuyện với con.
Trẻ lớn hơn cũng có thể hứng thú với việc tham gia đội điền kinh ở trường trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, nhưng hãy nhớ rằng,:“Không phải tất cả trẻ em đều được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh” Gminski nói, “thay vào đó, chúng sẽ cảm thấy hứng khởi hơn nếu nhận được sự khuyến khích từ người khác.” Sự ủng hộ này có thể đến từ những nhãn dán, cúp chiến thắng, bình nước giải thưởng hay những dấu hiệu đầy tự hào khác minh chứng cho sự tham gia của trẻ.
Chạy bộ là một cách tuyệt vời để gắn kết các thành viên gia đình, dạy trẻ nhỏ về khả năng của cơ thể và trí óc cũng như khơi dậy tình yêu sức khỏe và thể chất – niềm tin này sẽ theo chúng tới mãi về sau.
Trò chơi vận động phù hợp tuỳ theo lứa tuổi cho trẻ em
Các cuộc đua tiếp sức, đuổi bắt (và tất cả các phiên bản nâng cấp đầy sáng tạo bắt nguồn từ đuổi bắt) và trò em bé tập đi (đèn đỏ / đèn xanh) có thể giúp mang tới nhiều niềm vui cho các buổi chạy của trẻ. Hoặc bạn có thể áp dụng thử các bài tập phù hợp với lứa tuổi sau đây.
Mẫu giáo đến lớp hai
Trò chơi: Hãy làm theo chỉ dẫn của tôi
Bắt đầu bằng cách đứng thành một hàng dọc, cách người trước mặt bạn ít nhất một sải tay. Mọi người sẽ bắt đầu đi bộ. Tiếp theo, người đầu tiên trong hàng sẽ hô to một hành động (nhảy qua lại 2 bên, chạy nhanh hết tốc lực, nhảy lò cò, hoặc nhảy lên). Mọi người sẽ thực hiện động tác đó trong 10 giây. Sau 10 giây, người đứng đầu tiên chạy xuống cuối hàng và đến lượt người tiếp theo hô lệnh. Lặp lại đến khi bạn muốn nghỉ.
Lớp Ba đến Lớp Năm
Trò chơi: Thu Thập Xúc Xắc
Chia thành các đội hai người và đặt một chiếc cọc tiêu trước mỗi đội. Đặt những chiếc bút dạ được đánh dấu ở những vị trí khác nhau, có thể là góc phòng hoặc ngoài trời, sao cho trẻ có thể nhìn thấy số đánh dấu trên bút. Người chơi đầu tiên trong mỗi nhóm lăn một con xúc xắc và chạy đi tìm vị trí được đánh số và mang bút cho đội. Người chơi tiếp theo lăn con xúc xắc ngay khi người chơi đầu tiên quay lại và có thể bắt đầu tìm kiếm số tiếp theo. Các đội tiếp tục cho đến khi tất cả sáu vật đã được thu thập, có thể lăn xúc xắc lại nếu trùng với số cũ. Đội đầu tiên thu thập được tất cả các số sẽ thắng. (Thay đổi khoảng cách của vị trí đặt bút dựa theo khả năng của người chơi.)
Lớp Sáu đến Lớp Tám
Trò chơi: Vượt chướng ngại vật
Hãy suy nghĩ cẩn thận về vấn đề này và sử dụng các vật dụng gia đình hoặc thiết bị thể thao khác để tạo một đường chạy với những chướng ngại vật mà bạn phải suy nghĩ là nên chạy, nhảy qua, né sang một bên hay chạy nước rút. Người hoàn thành cuộc đua trong thời gian nhanh nhất sẽ chiến thắng!
Ví dụ:
– Đặt vòng xuống bãi cỏ cho bài kiểm tra sự nhanh nhẹn.
– Dựng đồ chơi hoặc lưới bóng đá / bóng chày để trèo lên hoặc nhảy qua.
– Đánh dấu các khu vực được chỉ định bằng cọc nón để chạy nước rút qua lại.
– Sử dụng một đoạn dây dài và thực hiện động tác nhảy sang bên một chân (hoặc bằng cả hai chân!) sang hai bên.
– Đánh dấu bằng phấn trên vỉa hè để nhảy sang hai bên hoặc nhảy đến các điểm được chỉ định.
– Tạo một chiếc băng rôn ở vạch đích để người tham gia chạy qua
– Chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội để khuyến khích người khác làm như vậy.