Lần đầu tiên Việt Nam có một vận động viên ba môn phối hợp đã giành được vé tham dự giải vô địch thế giới Ironman World Championship 2022 tại Hawai, Mỹ. Đó là một cô gái còn rất trẻ – Lâm Túc Ngân (1994) đến từ TP.Hồ Chí Minh. Hãy cùng Race Vietnam (RVN) gặp gỡ và trò chuyện cùng với cô gái này nhé!
RVN: Xin chào Ngân! Chúc mừng bạn – người Việt Nam đầu tiên đoạt suất tham dự giải Ironman vô địch thế giới. Đến lúc này, khi đã trở về nhà thì cảm xúc của bạn về cuộc đua này như thế nào?
Lâm Túc Ngân: Cảm ơn RVN! Ngay sau khi cuộc đua kết thúc, trên đường di chuyển trở về nhà là Ngân đã tranh thủ ôm laptop để làm việc online rồi. Từ đây đến cuộc đua Ironman World Championship chỉ còn 6 tháng, có rất nhiều thứ phải lo vậy nên không còn thời gian để suy nghĩ nhiều về chiến thắng vừa rồi nữa. Điều duy nhất trong đầu là kế hoạch về công việc, tập luyện và thử thách sắp tới.

RVN: Ngân hãy kể lại cho bạn đọc của RVN được biết về hành trình chuẩn bị cho cự ly full Ironman (3.8km Bơi, 180km Đạp, 42.2 km Chạy) đầu tiên của mình như thế nào được không?
Lâm Túc Ngân: Năm 2019 Ngân có tham gia cuộc đua Half Ironman 70.3 tại Philippines và giành chiến thắng. Lúc đó suy nghĩ rằng sẽ không bao giờ trở lại nơi này thêm lần nữa đâu vì đường đua “quá chua”. Thế nhưng Ngân lại “điên rồ” gấp đôi, vì muốn thử thách bản thân cũng như hoàn thành mục tiêu đoạt suất tham dự vô địch thế giới mà bản thân đã đề ra vào năm 2019 nên đã đăng ký cự ly full Ironman đầu tiên, cũng tại Subic – Philippines này. Ngân rất nghiêm túc tập luyện cho lộ trình chinh phục mục tiêu này, tuy nhiên, có một điều không ai ngờ trước được, đó là dịch bệnh Covid xảy ra, giải bị huỷ hoãn mà không biết khi nào mới tổ chức lại. Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý cũng như kế hoạch tập luyện. Bởi thường trước một cuộc đua thì Ngân sẽ lên kế hoạch tập luyện và tính toán để làm sao điểm rơi phong độ nhất vào ngày đua. Nhưng với tình hình dịch bệnh như vậy thì bản thân Ngân cố gắng tập duy trì thể lực để bất cứ khi nào cuộc đua trở lại thì mình cũng sẵn sàng. Và thực ra đối với cự ly càng dài thì thời gian càng lâu để chuẩn bị sẽ tốt hơn. Bởi vì mình biết rằng mình còn yếu cái gì để trui rèn thêm. Từ 2019 đến 2022, Ngân đã phải đổi ít nhất năm lần cho kế hoạch tập luyện của mình, cụ thể con số chắc chắn hơn rất nhiều mà Ngân không nhớ chính xác nữa.

RVN: Việc giải đấu hoãn không biết ngày nào mới tổ chức được đã ảnh hưởng đến tâm lý của Ngân như thế nào? Và vì sao Ngân vẫn tiếp tục kiên trì chờ đợi cuộc đua này?
Lâm Túc Ngân: Thật sự là cảm giác khi tập không phải lúc nào cũng vui, cũng có lúc rất mệt, chấn thương, rồi thêm những áp lực công việc và cuộc sống nữa. Ngân cảm thấy hụt hẫng khi giải hoãn huỷ mà không biết khi nào mới tổ chức lại. Thế nhưng vì đam mê bộ môn thể thao này và khao khát đạt được mục tiêu quá lớn nên Ngân nghĩ, đó là sức mạnh giúp Ngân không từ bỏ. Khi đó, điều duy nhất có thể làm là thôi cứ tập duy trì, lâu lâu có tia hy vọng thì mình đi theo tia hy vọng đó. Rất nhiều lần như thế nên đủ lâu khiến cảm xúc chán nản bị chai sạn, không còn nghĩ tới việc từ bỏ nữa. Ngân luôn tự nhủ bản thân mình rằng: “Đã cố gắng hơn 3 năm rồi thì không có lý do mà không cố gắng thêm”.

RVN: Vậy hẳn là bạn rất vui khi nhận được thông báo về ngày đua chính thức?
Lâm Túc Ngân: Vâng, vui lắm chứ vì sau bao năm tháng chờ đợi thì cuối cùng ngày đua đã tới. Nhưng xen lẫn đó là nỗi lo lắng vì Ngân vừa hết dương tính với Covid vào ngày 15/2, phải chiến đấu với hậu covid cùng những cơn ho dai dẳng khi chỉ còn chưa tới ba tuần là đến ngày đua. Ban đầu Ngân chưa có tên trong danh sách được tham gia giải đâu, vì thời điểm đó Philippines mở cửa cho người nước ngoài nhưng ban tổ chức ưu tiên cho các vận động viên là người Philippines hoặc người nước ngoài đang sinh sống tại Philippines thôi. Vậy nên Ngân liên tục gửi email cho BTC, liên hệ khắp nơi để nắm bắt tình hình, tìm phương hướng, cũng như chuẩn bị mọi việc trước mọi tình huống có thể xảy ra.
Sau đó đúng trước 2 tuần thì Ngân mới chính thức nhận được thông báo là người nước ngoài được tham dự. Ngân gấp rút chuẩn bị vé máy bay, khách sạn và quan trọng là phải hồi phục thể lực hậu Covid.
RVN: Điều kiện để được tham dự giải Ironman World Championship 2022 tại Hawai, Mỹ là gì?
Lâm Túc Ngân: Ironman World Championship có chỉ tổ chức ở Hawaii Mỹ, hơn 40 năm rồi, để có được suất này phải tham dự các giải trong chuỗi quy chuẩn, mỗi giải sẽ cho từ 20-45 suất tuỳ vào quy mô giải để dành cho những người chiến thắng giải đó. Ví dụ sẽ chia ra hạng tuổi, mỗi hạng tuổi có 1 suất, ở các giải quốc tế thì phải cạnh tranh với người nước ngoài. Có nhiều cách để đến với “thánh đường” này nhưng cách vinh quang nhất là chiến thắng đạt top lứa tuổi tại một giải đấu trong hệ thống chuẩn của Ironman để có được vé tham dự, và điều này thì sẽ không dễ dàng với người Việt Nam. Bởi lý do vì chúng ta sẽ phải cạnh tranh thi đấu với rất nhiều người đến từ các quốc gia trên thế giới.

RVN: Vậy điều này có làm cho Ngân cảm thấy “ngán” không nếu có quá nhiều đối thủ nặng ký?
Lâm Túc Ngân: Nếu nghĩ như vậy thì chắc chắn Ngân không dám đặt ra ước mơ của mình đâu. Ngân nhìn vào những cơ hội chứ không quan tâm đến khó khăn. Bản thân mình vừa mới hết Covid, thể lực còn yếu, nếu không đủ dũng khí tự tin để đi chuyến này và lỡ không thực hiện thì có lẽ mình sẽ rất tiếc. Điều mà Ngân nhìn vào đó là những gì mình tích luỹ hơn 5 năm khi chơi bộ môn này và mình đã nghiêm túc tập luyện trong suốt kể cả những ngày thành phố bị lockdown ra sao. Mình đã chờ đợi ngày đua quá dài rồi nên sau tất cả khó khăn và bất lợi thì mình vẫn tự tin tham gia cuộc đua với những gì mình có, dựa trên tất cả những kinh nghiệm đi thi đấu nước ngoài trước đó. Với Ngân, đối thủ nặng ký nhất là chính Ngân. Và chuyến đi này, để có mặt ở vạch xuất phát là đã thành công rồi.
RVN: Sau khi xuất phát thì cuộc đua của Ngân đã diễn ra như thế nào?
Lâm Túc Ngân: Hôm đi thi, bơi tới vòng 2, đang tận hưởng thì bị một vận động viên đang bơi sải chuyển sang ếch đột ngột đạp trúng mặt, say sẩm. Tuy mình đã dừng chỉnh kính mấy lần nhưng không tránh được việc kính vào nước. Hậu quả là một con mắt bị khô, Ngân kết thúc phần bơi với con mắt phải mờ không còn nhìn thấy rõ nữa. Sau này nghĩ lại thì Ngân thấy thật may vì chỉ mờ một con mắt thôi, vẫn còn con mắt còn lại để sử dụng hoàn thành cuộc đua.
Sang đến phần đạp, do ánh nắng chói và gió quá nên sau 90km mắt bắt đầu biểu tình, không chịu làm việc nữa, cay như sát ớt vào mắt. Vậy nên mình phải dừng lại, ghé nhờ y tế băng cái con mắt mờ đang chảy nước lại để giảm tác động, nhập vai dũng sĩ một mắt cho toàn chặng 180km đạp và 42km chạy còn lại.
Đoạn chạy lúc đầu trời còn chói nắng nên mình cứ nhắm mắt lại, chạy vài bước mới mở một con mắt ra nhìn rồi tiếp tục thong thả bước tiếp. Lúc sau buồn ngủ quá, trời cũng dần tối, mắt đã được nghỉ ngơi, hết cộm và chảy nước, thoải mái hơn rồi nên khi về đích mình có thể tháo cái băng gạc băng mắt phải ra, có một tấm ảnh về đích trọn vẹn.
RVN: Gặp khá nhiều bất lợi như vậy trên đường đua, có giây phút nào Ngân muốn dừng lại không?
Lâm Túc Ngân: Để đến với cuộc đua lần này Ngân đã phải chờ đợi quá lâu và đi kèm rất nhiều khó khăn, thử thách: hậu Covid chỉ mới chưa được 3 tuần này, một mình xoay sở tính toán mang theo hành lý đi đua, di chuyển một chặng đường dài 20 tiếng đồng hồ vừa bay vừa đường bộ để đến Subic – địa điểm thi đấu. Vậy nên Ngân mới nói rằng, việc có mặt ở vạch xuất phát là Ngân đã thành công rồi. Ngân chưa bao giờ có khoảnh khắc muốn bỏ cuộc khi thi đấu, vì Ngân đã dành rất nhiều thời gian và công sức đổ mồ hôi tập luyện, có cả chấn thương, mệt mỏi. Vậy nên giây phút ở cuộc đua này Ngân biết mình phải tận hưởng một cách trọn vẹn nhất và Ngân biết, giây phút Ngân đứng ở vạch xuất phát là có rất nhiều bạn bè ở Việt Nam đang dõi theo cổ vũ cho mình. Tấm vé tham dự Ironman vô địch thế giới lúc này không phải dành cho cá nhân mình nữa, mà là cơ hội để Việt Nam xuất hiện ở đấu trường thế giới. Ngân cảm thấy cực kỳ tự hào khi thi đấu ở nước ngoài và được nghe hai tiếng thân thương “Việt Nam” được xướng lên.

RVN: Vậy trong ba môn bơi – đạp – chạy thì bạn có “ám ảnh” sợ nhất môn nào không? Và làm cách nào để vượt qua nỗi sợ đó?
Lâm Túc Ngân: Nói sợ thì cũng không đúng đâu, chỉ là Ngân hơi ngán phần đạp xe nhất thôi. Lý do vì đạp xe tồn tại các yếu tố rủi ro không kiểm soát được như vỡ lốp, té xe, tai nạn… Chính vì thế mà Ngân lần này lên kế hoạch là thi đấu với chiến thuật an toàn. Bởi nếu chẳng may Ngân té xe hoặc gặp tai nạn phần đạp thì rất khó để hoàn thành phần chạy 42km. Trong khi đó mục tiêu của mình đang đến rất gần với tấm vé Ironman vô địch thế giới rồi.

RVN: Nếu để đúc kết lại hành trình đến Subic lần này thì bạn có thể tóm gọn lại như thế nào?
Lâm Túc Ngân: Đó là một hành trình với đủ combo “chua – cay – mặn – ngọt”: Chua để đứng được ở vạch xuất phát. Cay lúc bơi đạp chạy do mắt đau. Mặn vì mồ hôi. Và ngọt ở vạch đích.
RVN: Một hành trình thật thú vị, vậy sau khi đã chinh phục được mục tiêu của mình rồi bạn có muốn quay trở lại để tiếp tục thử thách bản thân nữa không hay dừng lại?
Lâm Túc Ngân: Ngân từng vô địch Ironman 70.3 vài lần rồi, cảm xúc ấy không còn đủ với Ngân nữa, Ngân không muốn ở trong vùng an toàn, Ngân cảm thấy học được rất nhiều khi bước ra vùng an toàn, đón nhận những thử thách mới cho chính mình. Ngân rất muốn hoàn thiện hành trình mà mình theo đuổi và Kona như một món quà giúp Ngân cố gắng hơn nữa. Word Championship như một “thánh đường” mà có lẽ bất cứ VĐV chơi ba môn nào cũng muốn được chạm đến. Có thể Ngân sẽ rẽ hướng sau khi đi chinh phục vô địch thế giới trở về, ví dụ như đóng góp kinh nghiệm cho cộng đồng ba môn phối hợp để giúp mọi người tiến gần đến giấc mơ Kona hơn. Tuy nhiên việc Ngân có tiếp tục nữa hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ, vì đối với Ngân thể thao mang lại những giá trị về sức khoẻ và tinh thần. Vậy nên tháng 10 này Ngân sẽ tận hưởng cuộc đua một cách thoải mái nhất, tự tin nhất, không phải áp lực vì đối với Ngân đó là món quà và mình trân trọng nó. Đó giống như là cái kết cho một chương của Ngân vậy.
RVN: Tháng 5 này Ironman Viet Nam 70.3 sẽ trở lại. Có lẽ mọi người sẽ được gặp lại Ngân trên đường đua chăng?
Lâm Túc Ngân: Chắc chắn rồi, Ngân sẽ trở lại Đà Nẵng tháng 5 này, nhưng không phải trên đường đua. Với Ngân, thể thao là một ngôn ngữ toàn cầu giúp mọi người gắn kết, hiểu nhau hơn, về mặt thể chất lẫn tinh thần. Ngân yêu những cú đập tay trên đường chạy, tiếng động viên nhau trên đường đua, những cái ôm ấm áp tại vạch đích, đơn giản vì đó là thứ cảm xúc đẹp mà thể thao mang đến. Ngân sẽ tham gia giải, nhưng với vai trò một cổ động viên, người ở vạch đích đón chờ anh em, bạn bè mình trở về, bởi đó cũng là một giải bắt đầu của Ngân.
Cảm ơn buổi trò chuyện rất cởi mở của Ngân dành cho RVN! Chúc Ngân sẽ thêm nhiều trải nghiệm thăng hoa với bộ môn thể thao mà mình đam mê gắn bó suốt hơn 5 năm qua. Đặc biệt là ở cuộc đua vô địch thế giới sắp tới sẽ được thấy Ngân thăng hoa trên giải đấu.
Một số giải thưởng của Lâm Túc Ngân
– Vô địch nhóm tuổi, top 8 nữ chung cuộc Ironman Philippines 2022
– Vô địch nhóm tuổi Ironman 70.3 Philippines 2019
– Vô địch nhóm tuổi Ironman 70.3 2018 Vietnam
– Nhất nữ Vietnam Ironman 70.3 2018