Khi Diệu vẫn còn chưa hoàn toàn trở lại trạng thái bình thường sau giải đấu Bigfoot 200 dặm, sự trao đổi thân tình giữa hai anh em ở hai nửa bán cầu vì thế vẫn còn ấm nóng như đang vừa đi đường vừa trò chuyện. Một Diệu rất thật, rất bình dị và cân bằng khiến cho người đọc cảm thấy mình quên đi những khó khăn của giãn cách trở lại với những cảm xúc mạnh mẽ nhất về trail.
TP: Diệu thấy mình bình thường hay “điên” như cách mọi người nói khi dấn thân vào con đường ultra trail bất tận?.
DT: Mỗi lần mọi người nói em “điên” em luôn từ chối là không có điên đâu. Cho tới ngày thứ ba, khi phải đi qua một đoạn rất khó với một bên là vực, một bên là cây lớn đổ ngang dọc và leo dốc đứng liên tục em tự nhận với bản thân mình: “mình đúng là điên thật, chả hiểu sao chui vào chỗ này” haha. Nhưng qua được đoạn đó thì lại thấy thực ra mình cũng bình thường .
TP: Diệu thấy mình thực sự yêu chạy bộ và nghĩ không thể sống thiếu chạy bộ từ khi nào? Trước và sau khi “yêu” thì Diệu có thấy gì khác biệt không?.
DT: Em bắt đầu chạy bộ vào tháng 6, 2016 vì muốn cải thiện sức khỏe. Sau đó có chạy lên dần tới 45km nhưng đa phần là chạy Road. Cho tới khi qua Mỹ, em chọn Utah vì gần nhiều núi, nhà em ngay sát núi nên sáng ra chỉ việc lên chạy rồi về chuẩn bị đi làm đi học. Từ đó việc chạy bộ như gì đó không thể thiếu. Nó giúp em cân bằng cuộc sống, giúp sức khỏe cải thiện hiện và đặc biệt thấy bình an trong tâm mình hơn. Em cảm thấy như “về nhà” khi lên núi chạy bộ, có những bài chạy dài dưới cái lạnh âm độ hay nóng rát hơn 40 độ đến khi cơ thể mệt rã rời nhưng cảm giác trống trải đến bình an cũng như mãn nguyện là không gì so sánh được sau đó.
TP: Điều kiện chơi ultra trail ở Mỹ và ở Việt Nam quả là khác biệt, điều gì khiến cho việc đắm mình vào ultra trail ở Mỹ của Diệu bùng phát mạnh mẽ hơn?.
DT: Mỹ và đặc biệt Utah có quá nhiều trails để chạy, vừa khó, vừa đẹp. Em có cơ hội tiếp xúc nhiều bạn chạy bên này. Ngày trước khi ở Việt Nam, nghe nói chạy 100km là em thấy quá chừng nhiều rồi. Qua đây thì 100 dặm là niềm vui của các bạn chạy. Em nghĩ chạy được 100 dặm là quá đủ dài rồi. Vậy mà khi vừa hoàn thành 100 dặm thì bạn em rủ rê chạy 200 dặm. Lúc đó em chẳng hiểu sao lại tò mò xem chạy 200 dặm nó ra sao, rồi mình sẽ chạy được bao xa. Thế rồi đang kí chạy và tập…. Lúc này cũng là lúc nhận ra chạy ultra là một liều thuốc nghiện.
TP: Ultra trail dưới điều kiện địa hình và thời tiết khắc nghiệt, có khi nào Diệu lo sợ rủi ro xảy đến với mình không? Diệu vượt qua nó như thế nào?.
DT: Rủi ro luôn có cho mỗi môn chơi. Chỗ em ở địa hình cũng như thời tiết khí hậu rất khắc nghiệt, mùa đông có ngày lạnh -20 độ, mùa hè nóng 45 độ. Có rất nhiều tai nạn xảy ra, ngay cả với một vài bạn chạy rất nhiều kinh nghiệm của em. Nên suy nghĩ của em là luôn chuẩn bị cẩn thận, thà dư đồ hơn thiếu khi đi chạy. Em cũng học nhiều về cách tìm đường, cách nhìn bản đồ trail qua các lớp địa hình, và một số kĩ năng sống còn cũng như đối phó với động vật hoang dã mấy năm nay. Em rất thích leo núi, hàng ngày leo gần nhà nhưng cuối tuần em đều đi leo những nơi cao hơn 3000m. Mỗi lần đi em đều học được thêm về bản thân và khám phá thêm nhiều về trail để có sự chuẩn bị tốt hơn. Một trong những nguyên tắc đầu tiên của em khi lên núi là “Respect the mountains”.
TP: Kỉ niệm và địa điểm Diệu ấn tượng nhất?.
DT: Đó là lần Free Solo leo Grand Teton. Em bắt đầu tập leo vách đá được hơn hai năm nay và năm nay mới đủ tự tin để leo Grand Teton, một trong những vách đá nổi tiếng của Wyoming, Mỹ. Lần này em leo không thiết bị bảo hộ nên việc sử dụng hết kĩ năng leo vách đá cũng như sự tập trung của mình trong từng hơi thở và bước đi khiến em chìm vào khoảng trống bình an nhất của mình. Cảm giác khi leo đến đỉnh là không thể diễn tả được vì dám đối diện và vượt qua được nỗi sợ. Trước đây em là một người rất sợ độ cao.
TP: Những người bạn chạy tuyệt vời, có phải là một trong những điều hạnh phúc nhất đối với Diệu?.
DT: Bạn chạy là một trong những người khiến em hạnh phúc nhất sau núi rừng. Lúc mới qua đây dù núi đẹp, nhưng nhiều khi đi race em thấy rất nhớ bạn bè và thấy tủi tủi thân vì nhớ không khí gặp bạn chạy ở Việt Nam, nhớ lúc ở nhà rộn ràng rủ nhau đi race rồi tụ tập vui quá chừng. Qua đây một thời gian em kết bạn được rất nhiều, mọi người dẫn em đi hết núi này đến núi nọ, chia sẻ với nhau đam mê chạy bộ trên núi và kinh nghiệm chạy trail giúp em học được rất nhiều cho các giải chạy từ 100km đến 200 dặm. Cũng nhờ có bạn chạy mà em mới chạy xa được thế này, bắt đầu từ bạn chạy SRC chia sẻ kinh nghiệm chạy bộ, dẫn đi chạy tới bạn chạy cả nước động viên. Nếu không có mọi người thì không có Diệu ngày hôm nay đâu.
RB: Cá tính và con người của các ultra trail runner có giống nhau không? Hay họ có những góc cạnh thật sự khác biệt cần phải có thời gian để khám phá?.
DT: Mỗi người bạn chạy đều khác nhau, khác nhiều nữa là đăng khác. Người tìm đến chạy vì ham vui và cân băng cuộc sống như em, người chạy để vượt qua bản thân, người chạy để thành tích tốt hơn. Người chạy để tìm ra giới hạn của mình, người rất là nghiêm túc về chạy và tập luyên, người thì thong thả ham chơi. Tuy nhiên, em thấy ai cũng có tình yêu bất tận cho chạy trail và luôn vui vẻ hạnh phúc. Em thấy mỗi người đều bắt đầu ở vị trí khác nhau, đến với chạy bộ để hoàn thiện mình hơn, để thấy được phiên bản tốt hơn trong mình.
TP: Những sự cố mà một ultra trail phải đối mặt ngoài thực tế?.
DT: Có rất rất nhiều sự cố mà Ultra runner sẽ phải đối mặt, dù cho chuẩn bị tốt tới đâu thì nhiều lần em đều gặp sự cố từ nhỏ tới lớn. Từ việc thay đổi khí hậu, đối diện với thú dữ (cái này ở Việt Nam đỡ hơn nhưng rắn cũng là một phần nè), lạc đường dẫn tới không có đủ đồ ăn và nước uống, tới việc gặp tai nạn rồi té ngã. Ngoài ra thì việc đối mặt với chính bản thân mình vẫn là điều lớn nhất. Từ việc có nhiều nỗi sợ như sợ độ cao, sợ mà cho tới việc phải tự mình vượt qua cơn đau và dùng ý chí để bước tiếp.
TP: Covid có “bỏ qua” cho dân ultra trail không?.
DT: Chắc chắn là không anh ạ. Haha. Trước khi em bị Covid, bạn chạy của em nhiều người bị: người bị nhẹ, người nhập viện dùng máy thở. Em vẫn tự nhủ bản thân là em khỏe nên chắc bị cũng không sao, lạc quan lắm. Tới khi bị thì em cũng không nằm ngoài vòng bị triệu chứng nặng tới gần phải cấp cứu dùng máy thở. Covid tấn công mỗi người khác nhau, khỏe và chạy bộ cũng có thể bị triệu chứng nặng. Tuy nhiên em thấy việc chạy bộ và tập luyện thường xuyên giúp mình có sức đề kháng tốt để chống lại Covid dù bị nặng.
TP: Phụ nữ khi chơi ultra trail có gì khác biệt (lợi và bất lợi) hơn so với nam giới?
DT: Em thấy runners, đặc biệt nam giới bây giờ đang cố gắng nhiều để hỗ trợ có sự cân bằng, không quá nhiều khác biệt trong chạy ultra cho nữ giới vì khi chạy thì tất cả đều giống nhau, không quan trọng nghề nghiệp, cuộc sống cá nhân hay background mỗi người ra sao. Tuy nhiên vẫn có nhiều sự kì thị với nữ và so sánh với nam giới. Hơn nữa, nữ giới thường có khả năng phải đối diện nhiều sự nguy hiểm hơn khi chạy trail một mình.
TP: Mục tiêu của Diệu với chạy bộ là gì? sự cân bằng trong tâm trí, khám phá giới hạn bản thân hay chỉ là một sự thách thức nào đó cần thực hiện bằng được?.
DT: Với em chạy bộ là niềm vui bất tận. Mỗi khi chạy bộ em cảm thấy bình an trong tâm mình, em quên đi hết những vấn đề trong cuộc sống mà mình đang có. Chạy bộ giúp em hiểu hơn về bản thân mình và giúp em thay đổi để hoàn thiện mình hơn. Chúng ta luôn có tâm lí mọi thứ có giới hạn, bản than mình có giới hạn và có nhiều điều mình không làm được, chạy ultra giúp em nhận ra là chúng ta có thể chịu đựng gần như tất cả mọi thứ cũng như chúng ta có thể đạt được thứ mình muốn nếu như chúng ta thật sự muốn nó và nổ lực hết mình. Ngoài ra nó cũng giúp em hòa mình với núi rừng để hiểu hơn mình là ai, mình cần gì và mình nên làm gì, từ đó nó giúp em đưa ra nhiều quyết định trong cuộc sống thường nhật của mình.
TP: Cuộc sống đơn giản của Diệu ngoài lúc chạy bộ thế nào?
DT: Em rất thích ở cùng gia đình, mấy năm trước em làm nhiều nên không có thời gian cho gia đình. Bây giờ thì Ở nhà nấu ăn nói chuyện với mọi người thôi cũng đủ rồi. Em thích leo vách núi nên những lúc có thời gian em cũng đi leo vách, cuối tuần rảnh thì ở nhà đọc sách, nấu ăn (em rất thích ăn, đặc biệt đồ Việt nên tự nấu vì chỗ em ở không có người Việt nhiều).
TP: Có sự thất bại và sự tiếc nuối nào đeo bám Diệu không?
DT: Em đã trải qua rất nhiều thất bại nhưng em chưa bao giờ để nó đeo bám em hoặc khiến em tiếc nuối. Mỗi thất bại em đều tìm kiếm bài học cho riêng mình và rút ra kinh nghiệm cho lần sau. Từ cả một tuổi thơ lay lắt cùng đường với mẹ và chị gái tới khi em lập công ty và có mọi thứ em muốn. Em nhận ra thứ em cần duy nhất cũng chỉ là bình an của mẹ và người thương với bản thân mình. Đó cũng là một trong những lí do em từ bỏ hết sự nghiệp của mình ở Việt Nam và qua Mỹ để bắt đầu cuộc sống mới, cuộc sống mà mình mong muốn thật sự. Đó là quyết định khó nhất nhưng chưa bao giờ em hối tiếc mà thấy bình an trong tâm mình hơn.
TP: Cuộc đua và mục tiêu sắp tới của Diệu?.
DT:Năm nay em không đăng kí cuộc đua nào, Bigfoot là giải em đăng kí năm ngoái mà hủy nên năm nay chạy. Em dự định sẽ không chạy giải nào hai năm tới vì bắt đầu quen đường bên này và tự vẽ đường chạy khám phá khá là vui và thú vị. Em muốn dành hai năm tới tập trung cho gia đình mình nhiều hơn, hiện tại em gái em đang điều trị ung thư não tại bệnh viện nên những ngày sắp tới vẫn khó nói. Nếu có cơ hội được chọn cho Hardrock 100 hoặc Western State 100 thì em sẽ chạy.
TP: Cuối cùng, anh không hề thấy mình đang trò chuyện với một Diệu “điên” nào cả, phải chăng Diệu vẫn rất “bình thường?. Anh nghĩ mình cũng không cần câu trả lời từ Diệu
DT: Không, em thấy mình khá là “bình thường”
Hẹn gặp lại Diệu với một bài phỏng vấn trực tiếp tại “hang ổ” bang Utah nhé!.
(Bài viết là trao đổi thân tình giữa hai anh em: TP và Diệu, nên Diệu sẽ xưng hô là em, runbiz giữ nguyên cách xưng hô để đảm bảo sự toàn ngữ cảnh)