Bi – hài chuyện gian lận

0
1500

Sau mùa giải 2016 tổ chức thành công với những tấm huy chương lấp lánh lan toả khắp Hà Nội, mình nhận được cuộc hẹn từ một thanh niên yêu thể thao, thực tế là yêu sưu tập huy chương hơn là chơi thể thao. Thanh niên khoe về đủ bộ sưu tập các loại huy chương quốc gia quốc tế trong tay và ngỏ ý xin – mua bộ huy chương của LBM 2016. Tôi không đồng ý vì ai không chạy và không tham gia đóng góp cho giải đấu đều không được nhận kỷ niêm chương từ ban tổ chức. Câu chuyện tưởng như kết thúc ở đây, nhưng không, mùa 2017 thanh niên đăng ký chạy FM với mục đích lấy kỉ niệm chương sưu tập. Tuy vậy, thanh niên đút gánh giữa đường, bỏ cuộc nhưng vẫn cố tìm xin bằng được, tất nhiên mình vẫn không đồng ý và cảnh báo về trường hợp này với các bạn crew. Đến lúc mình phải chạy đi chuẩn bị việc khác thì bạn lại giả vờ chạy qua vạch đích để thuổng một cái mề đay FM danh giá. Tiếp sau đó bạn đi khắp các điểm check in, làm hàng đủ kiểu. Mình chỉ thấy tội nghiệp cho thanh niên thôi, bằng moi giá để có mề đay sống ảo.

Trường hợp này vẫn còn dễ thương hơn với tình trạng về sau này, nhiều cá nhân và trại giống cố tình gian lận một cách hệ thống, bất chấp dư luận. Có lần mình đi tham gia một giải đấu, nhìn thấy cảnh nhóm các học viên trại nọ quấn quýt bên thầy trên tàu, bàn thân cảm thấy thương các bạn: ngày mai ai sẽ về đích thật, ai về đích giả, ai đỡ thầy… Mưu sinh đã khổ, lại còn phải đi chạy ma ra tông mới thành đạt được…

Giải Tiền Phong 2021 kết thúc với ấn tượng tốt đẹp về đường chạy được đóng kín toàn bộ, người dân địa phương cổ vũ nhiệt tình và hồn nhiên, vận động viên phong trào thi đấu đầy hứng khởi bên cạnh dàn tuyển quốc gia… Tuy nhiên, làn sóng dư luận sau giải đấu từ cộng đồng lại dâng trào bởi một vài trường hợp gian lận điển hình: một anh thanh niên tri ân trại chủ sau khi “chinh phục” cự ly marathon ở một giải đấu danh giá với tấm huy chương lấp lánh, chứng nhận “giấy màu mực đỏ” và hình ảnh lung linh khi về đích, nhưng anh đã bỏ qua ít nhất 2 “check point”; một chị phụ nữ đạt giải lứa tuổi với trạng thái về đích khô ráo xinh tươi, đeo bib pha ke và anh bạn đồng run – lộ bib hồng phía sau bib xanh… bị phát hiện gian lận bởi cộng đồng chạy bộ.

1. Vì sao và vì sao?.

“Tôi làm được, bạn cũng làm được”. Đây có lẽ là một môn học quan trọng của nhiều nhóm bán ước mơ làm giàu để chứng minh khả năng “vượt lên chính mình” từ “thầy” truyền qua “trò”. Một khi “thầy trò” đã xung trận là phải hoàn thành, phải có kết quả để khoe chiến tích bằng bất cứ giá nào, kể cả gian lận. Ngoài việc bị phát hiện gian lận, một số thành viên còn gặp nguy cơ tổn hại tới sức khoẻ do “tụt carbon” hay cố gắng hoàn thành các cự ly ultra liên tục với trang phục thi đấu và kỹ thuật không phù hợp…

Dù bị cộng đồng chạy bộ lên án, nhiều khi là khinh miệt, nhưng họ không quan tâm. Việc có huy chương để khoe chiến tích quan trọng hơn nhiều so với việc xem cộng đồng nói gì. Chiến tích tốt có thể giúp họ lại được trở thành thầy của những con gà khác.

“Chạy ảo ấy mà”. Việc gian lận còn khủng khiếp hơn tại các giải chạy ảo, nơi mà nhiều người trước đó còn chưa biết chạy dài là gì hoặc chạy cũng chỉ ở mức “làng nhàng” thì nay “quất” luôn mấy chục ki lô mét mỗi ngày. Câu chuyện “thánh Gióng” ở các giải ảo luôn rất xôm tụ anh hào tham gia soi số và bóc phốt. Tuy nhiên, vì “thành tích ảo” nên các cá nhân và nhóm chạy vẫn không chùn bước, một số ban tổ chức thì chỉ cần đông vui, chạy nhiều km là giải chạy thành công rồi. Lâu dần, các giải chạy ảo kiểu “chạy bao nhiêu km đóng góp bấy nhiêu …” không còn hấp dẫn với runner nói chung, chủ yếu là các giải doanh nghiệp với mục tiêu “gắn kết” và quảng bá là chính.

“Chắc không ai biết đâu”. Nhiều runner mới nghĩ rằng: chạy mấy nghìn người, chắc không ai soi được hết đâu, đặc biệt là mình không về top đầu và chỉ lấy cái mề đay sống ảo thôi. Họ không biết rằng công nghệ chip, công nghệ tag ảnh, công nghệ “soi mói” của “runner” thật đáng kinh ngạc, trừ khi bạn không “khoe” và cũng không ai thèm “soi” mà thôi. Ngoài ra, các “chân chạy” tuy bên ngoài bình thản nhưng lại rất “quyết liệt” bên trong, ai chạy tới đâu họ biết hết, đặc biệt là những vị trí tranh chấp thứ hạng.

2. Phản ứng từ cộng đồng và từ các ban tổ chức.

Về mặt kỹ thuật: nếu bạn không chạy qua đủ các checkpoint, đương nhiên ban tổ chức sẽ cho bạn DNF – không hoàn thành luôn, hiếm khi BTC “khuyến mại” bạn chứng nhận hoàn thành nếu bị thiếu checkpoint, các ban tổ chức luôn chọn “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Các BTC thường công bố kết quả chính thức cho toàn bộ giải đấu sau 3-5 ngày để hậu kiểm, hiệu chỉnh, giải quyết khiếu nại.

Các vị trí nhất nhì ba chung cuộc luôn có trọng tài và biker theo sát. Việc xác định ai ở nhóm tuổi nào đạt giải khó khăn hơn nhiều vì trọng tài cần có đủ thời gian chờ mỗi cự ly và lứa tuổi có ít nhất từ 5 đến 10 vận động viên dẫn đầu về đích để kiểm tra trực tiếp rồi mới công bố chính thức. Áp lực dành cho các ban tổ chức khi trao càng nhiều giải càng lớn vì không ai muốn trao vinh quang nhầm chỗ.

Từ phía cộng đồng: một khi muốn soi, bạn khó thoát nếu thi đấu gian lận. Chúng ta không chỉ có một vài mà là hàng nghìn thám tử với khả năng ghép nối siêu phàm, kiên nhẫn và bám sát đúng tinh thần chạy “dai, dài và tỉnh”, một lượng fan “hóng drama” hùng hậu cổ vũ bên cạnh. Liệu bạn có thoát?.

Thể thao luôn có gian lận, kể cả cấp độ quốc gia và quốc tế, thậm chí có quốc gia còn bị cấm thi đấu vì gian lận doping có hệ thống.

Drama vẫn còn nhiều, thế nên các ban tổ chức mới có việc để làm và runbiz mới có chuyện để hóng.